Trang chủ Bệnh phụ khoa Bệnh nấm phụ khoa ở phụ nữ – Lưu ý ngày hè

Bệnh nấm phụ khoa ở phụ nữ – Lưu ý ngày hè

16/07/2012

Chưa có bình luận

2105 lượt xem

Mùa hè nắng nóng, nhiệt độ cơ thể tăng cao cộng thêm trang phục bó sát người chính là điều kiện thuận lợi cho nấm sinh sôi và dễ lây lan ra bên ngoài vùng kín.

Thế nào là viêm nhiễm cơ quan sinh dục do nấm?

Viêm nhiễm cơ quan sinh dục do nấm hay còn gọi là nhiễm nấm âm đạo do một loại nấm có tên Candida Albican gây ra. Loại nấm này thường ký sinh ở một số nơi trên da và bên trong âm đạo của người phụ nữ. Tuy nhiên, môi trường hơi acid trong âm đạo đã giữ cho nấm không phát triển. Nếu vì một lý do nào đó môi trường này bị thay đổi, mất cân bằng chẳng hạn như bị acid hoá, nấm sẽ bùng phát và gây nên chứng nhiễm nấm âm đạo. Đặc biệt, vào mùa hè nắng nóng, nhiệt độ cơ thể tăng cao cộng thêm trang phục bó sát người chính là điều kiện thuận lợi cho nấm sinh sôi và dễ lây la ra bên ngoài vùng kín.

bệnh nấm phụ khoa ở phụ nữ

Những trường hợp nào có nguy cơ nhiễm bệnh nấm phụ khoa ở phụ nữ

Môi trường âm đạo thường thay đổi mỗi khi chị em đến kỳ nguyệt san, phụ nữ mang thai, mắc bệnh tiểu đường, dùng thuốc kháng sinh nhiều và thường xuyên, thuốc ngừa thai khẩn cấp và các thuốc chứa steroid… Ngoài ra, phụ nữ thời mãn kinh lượng estrogen giảm mạnh khiến cơ thể thiếu nội tiết hay những người bị suy kiệt cơ thể, mất nhiều máu hoặc suy giảm hệ miễn dịch (người bị AIDS, lao…) đều dễ bị nhiễm nấm. Theo kết quả nghiên cứu chúng tôi đã thực hiện với những phụ nữ sống ở vùng thôn quê, ngoại thành con số nhiễm nấm cơ quan sinh dục là rất cao. Nguyên nhân chủ yếu do khâu vệ sinh vùng kín chưa tốt, tự ý mua thuốc rửa, thuốc đặt mà không theo chỉ định của bác sĩ. Hơn nữa, trong quá trình lao động, chị em thường phải ngâm mình dưới nước nhiều giờ, tiếp xúc với nguồn nước bẩn… Trường hợp này không chỉ có nguy cơ bị nấm phụ khoa ở phụ nữ mà còn có thể bị viêm nhiễm khác do vi trùng xâm nhập.

Vậy, khi bị nhiễm nấm người bệnh sẽ có những dấu hiệu nào?

Những bệnh nhân bị nhiễm nấm thường có những biểu hiện như: ngứa rát âm đạo, âm hộ, tiểu rát, ra nhiều khí hư sền sệt trắng đục như sữa và có mùi chua, cảm thấy đau ở hai hố chậu… Khi phát hiện những biểu hiện khác thường như trên cần phải đến các cơ sở y tế để kiểm tra ngay nhằm sớm có phương pháp điều trị thích hợp. Tránh trường hợp chà xát (do ma sát với quần áo…) lâu ngày khiến nấm lây lan rộng khắp vùng kín và hai bên bẹn. Ngoài ra, nếu để lâu, bệnh cũng dễ biến chứng nguy hiểm hoặc trở thành mãn tính rất khó điều trị dứt điểm.

Những biến chứng nguy hiểm ra sao?

Dễ bị bội nhiễm vi trùng. Một khi viêm nhiễm âm đạo lây lan lên trên tức là di chuyển sâu vào bên trong cơ thể có thể gây nên những nguy hiểm khôn lường. Nếu bội nhiễm vi trùng có thể gây viêm nhiễm vùng chậu hay thường gọi là áp xe phần phụ, làm tắc và viêm ống dẫn trứng buộc phải cắt bỏ dẫn đến vô sinh. Viêm vùng chậu, viêm tử cung và làm mủ ở phần trong, nếu chẳng may chúng vỡ ra người bệnh sẽ có nguy cơ tử vong. Ngoài ra, chỉ bị nhiễm nấm thôi cũng đủ gây khó chịu, ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày cũng như khi làm việc, làm giảm năng suất và hiệu quả công việc…

Phương pháp điều trị chủ yếu là gì?

Sợi tơ nấm sẽ được phát hiện dưới độ phóng đại hàng nghìn lần của kính hiển vi. Lúc bấy giờ tuỳ từng dạng nấm và thể trạng của mỗi người mà có các loại thuốc cụ thể. Bác sĩ có thể chỉ định dùng thuốc uống, thuốc đặt trong âm đạo hoặc kết hợp với thuốc thoa bên ngoài.

Thời gian điều trị cũng phụ thuộc vào từng dạng thuốc và tình trạng bệnh, thông thường kéo dài khoảng một tuần đến mười ngày. Người bệnh phải kiên trì và làm đúng lời dặn của bác sĩ mới có hiệu quả vì có nhiều trường hợp cơ thể người bệnh sinh ra chất kháng thuốc hoặc bị tái nấm rất khó điều trị khỏi hoàn toàn. Ngoài ra, sau một thời gian điều trị, nếu hiệu quả không cao buộc phải cấy nấm, làm kháng sinh đồ để tìm phương thuốc đặc trị mất nhiều thời gian và công sức.

bệnh nấm phụ khoa ở phụ nữ 2

Trong thời gian điều trị, có nên quan hệ vợ chồng không?

Theo chúng tôi thì tốt nhất không nên quan hệ chăn gối trong giai đoạn điều trị nấm. Thứ nhất, có thể làm giảm hiệu quả của thuốc, thứ hai, có thể lây cho “đối phương”. Mặc dù theo lý thuyết, nấm không lây qua đường quan hệ, nhưng trên thực tế chúng tôi đã thấy các ông chồng cũng bị lây nấm. Tuy nhiên, do cấu tạo cơ quan sinh dục của qúy ông nông hơn phụ nữ nên chỉ cần vệ sinh sạch sẽ và khô thoáng là khỏi.

Với phụ nữ mang thai bị nhiễm nấm có được dùng thuốc không?

Như đã nói ở trên, trong thời gian mang thai, môi trường âm đạo cũng bị thay đổi nên rất dễ bị viêm nhiễm. Cụ thể là nội tiết tăng khiến glycogen tăng cao làm môi trường âm đạo mất cân bằng vì lượng axit khá cao. Nhiễm nấm khi mang thai cũng rất nguy hiểm vì có thể gây sảy thai, sinh non, bé nhẹ cân… Do đó, nếu phát hiện người mẹ có dấu hiệu nhiễm nấm, các bác sĩ vẫn cho thuốc điều trị. Khoảng một tháng hoặc mười ngày trước khi sinh, bác sĩ sẽ cho người mẹ đặt một viên thuốc đặc trị dự phòng nấm nhằm tránh cho bé khi sinh ra hít phải tế bào nấm từ cơ quan sinh dục của mẹ.

Đối với trường hợp phụ nữ sinh mổ mất khá nhiều máu có dễ bị nhiễm nấm không ?

Thực tế, chúng tôi ít thấy trường hợp nào như vậy, trừ khi người mẹ đã bị nấm trong lúc mang thai. Vì dù sinh mổ nhưng lượng máu mất không nhiều lắm. Nếu được bồi bổ sẽ tránh được sự suy kiệt cơ thể làm giảm nguy cơ viêm nhiễm này. Còn đối với trường hợp băng huyết sau sinh thì ngoài chế độ dinh dưỡng hợp lý, các sản phụ phải bổ sung các chất cần thiết khác theo lời khuyên bác sĩ. Do đó, với những người hồi phục chậm vẫn tiềm ẩn nguy cơ viêm nhiễm.

Phụ nữ trong thời gian hành kinh rất dễ bị nhiễm nấm, những biện pháp phòng ngừa hiện tượng này?

Chủ yếu là giữ gìn vệ sinh vùng kín sạch sẽ, khô thoáng vì ẩm và nóng chính là điều kiện thuận lợi cho nấm phát triển. Do đó, trong những ngày này có thể sử dụng các loại dung dịch vệ sinh phụ nữ để vệ sinh bên ngoài. Trong các dung dịch này có chứa thành phần acid sẽ giúp trung hoà môi trường âm đạo đang bị kiềm hoá những “ngày ấy”. Ngoài ra, vẫn có thể sử dụng dung dịch này hàng ngày bằng cách pha loãng, rửa sạch và lau khô vùng kín. Tuy nhiên, luôn ghi nhớ không mua loại có tính sát trùng, vì khi đó chất sát trùng này sẽ giết cả những vi khuẩn có lợi cho âm đạo.

Hiện tại, có nhiều chị em đang dùng băng vệ sinh phụ nữ tampon, có tính thấm hút cao, liệu có ảnh hưởng gì đến môi trường trong âm đạo không?

Thực tế tampon được rất nhiều người sử dụng vì nhỏ gọn và thấm hút cao, nhất là những người hoạt động nghệ thuật như múa hoặc tập thể dục… Tuy nhiên chỉ nên dùng tampon trong một hoặc hai ngày đầu tiên của chu kì và từ hai đến bốn giờ phải thay một lần. Do tampon có khả năng thấm hút rất cao lại đặt sâu trong âm đạo nên nó hút luôn cả dịch trong âm đạo, từ đó làm thay đổi môi trường tự nhiên của âm đạo nên có thể gây viêm nhiễm. Đồng thời tampon khi hút giữ máu kinh và dịch nhầy của âm đạo chính là môi trường thuận lợi cho một số loại vi khuẩn có hại sinh sôi, phát triển. Những vi khuẩn này có thể gây nên hội chứng sốc nhiễm độc nguy hiểm đến sức khoẻ.

Trong những ngày “đèn đỏ” nhiều chị em vẫn tắm biển. Điều này có nên không?

Thực tế tắm biển hay tắm ở các bể bơi công cộng đều được, nếu chị em cảm thấy tự tin. Tuy nhiên, không nên ngâm mình quá lâu trong nước, nhất là những ngày “đèn đỏ”. Vì trong lúc hành kinh, cổ tử cung mở rộng là điều kiện cho các vi trùng xâm nhập gây viêm nhiễm lên cao. Nếu bị nặng có thể dẫn đến viêm tử cung, buồng trứng, xương chậu… Còn ngày thường cũng không nên ngâm mình lâu trong nước sẽ làm rối loạn độ pH trong âm đạo và vô tình, ta đã tạo ra cơ hội cho các dạng viêm nhiễm tấn công cơ thể.

Với phụ nữ đang ở thời kì mãn kinh có cách nào phòng ngừa viêm nhiễm không?

Với những phụ nữ đang ở độ tuổi mãn kinh (từ 40-50 tuổi) do buồng trứng ngừng hoạt động khiến cơ thể giảm nội tiết, bộ phận sinh dục thay đổi về kích thước (nhỏ lại), đồng thời niêm mạc âm đạo mỏng đi, khô hơn rất dễ bị viêm nhiễm. Tuy nhiên, cũng còn tuỳ thể chất từng người. Có người giai đoạn mãn kinh xảy ra rất bình thường, nhưng cũng có người bị rối loạn buộc phải đến các cơ sở y tế. Do đó, phụ nữ ở tuổi mãn kinh nên chú ý ăn uống điều độ, tập thể dục đều đặn, bổ sung thêm canxi và nếu cần thiết bác sĩ sẽ chỉ định phải bổ sung nội tiết.

Ngoài nấm còn tác nhân nào khác gây viêm nhiễm?

Thực ra viêm nhiễm âm đạo thường do ba tác nhân gây ra: vi trùng, trùng roi và nấm. Tuy nhiên, vào mùa này nấm thường là tác nhân chủ yếu gây nên bệnh viêm nhiễm âm đạo.

Biện pháp chung giúp phòng ngừa viêm nhiễm do bệnh nấm phụ khoa ở phụ nữ

Trước nhất phải đảm bảo vệ sinh vùng kín sạch sẽ, khô thoáng sau khi tiểu tiện hoặc tắm. Không nên mặc quần áo quá chật, nhất là trong những ngày hè nóng. Nên chọn đồ lót chất liệu cotton giúp thoáng khí và chỉ nên mặc khi cần ra ngoài, buổi tối khi ngủ không nên mặc. Sau mỗi lần vệ sinh, dùng giấy mềm không màu, không có chất khử mùi và lau từ trước âm hộ ra sau hậu môn giúp vùng kín khô hơn. Khi sử dụng dung dịch vệ sinh phụ nữ nên chú ý nhãn chai để tránh loại có tính sát trùng, không dùng dạng xịt phun mà nên pha loãng rửa bên ngoài. Nên chú ý hạn chế ngâm mình trong nước quá lâu mỗi khi tắm… Vì tất cả những yếu tố trên đều có thể là nguyên nhân gây ra các bệnh viêm nhiễm âm đạo.

Ngoài ra, chị em cũng nên chú ý tất cả những biểu hiện khác thường ở vùng kín. Cần đến các cơ sở y tế ngay nếu phát hiện biểu hiện khác thường và nghiêm túc làm theo chỉ dẫn của bác sĩ điều trị. Cũng nên khám phụ khoa định kỳ để phát hiện bệnh sớm (nếu có) nhờ vậy giúp quá trình điều trị kịp thời và hiệu quả hơn.

Theo Healthplus.vn


banner kieu xuan_770x180

, ,

Chưa có bình luận

Tin đọc nhiều