Biểu hiện của rong kinh và nguyên nhân thường gặp
Rong kinh là tình trạng mất nhiều máu trong chu kỳ kinh nguyệt hoặc do sự kéo dài nhiều ngày, thông thường quá 8 ngày và khối lượng máu xuất ra trên 90ml được xem là rong kinh.
-
Những biểu hiện của rong kinh
Con số 90ml chỉ nói trong sách vở để bạn gái có thể hình dung ra lượng máu kinh là bao nhiêu, chứ trên thực tế, ít ai có thể (nếu không muốn nói là không thể) đo được lượng máu của mình chảy ra. Do đó, để biết có bị rong kinh hay không, bạn cần chú ý đến một số điều như sau:
Để biết chắc hành kinh nhiều bất thường hay rong kinh, bạn có thể căn cứ vào dấu hiệu là máu có nhiều cục đông hay không? (thông thường máu kinh không bao giờ đông vì trong máu có một chất chống đông, nhưng do số lượng máu quá nhiều khiến chất chống đông không đủ cho mọi tế bào máu, nên số hồng cầu nào không được chất chống đông ngó ngàng tới sẽ đông).
- Lượng máu tràn ra và thấm ướt ra bên ngoài, mặc dù bạn đã bọc lót thật cẩn thận.
- Số lượng máu tăng nhiều rõ ràng cũng giống như số lần thay băng bọc lót (là số lần bị thấm ướt phải thay) so với các lần trước.
- Có dấu hiệu thiếu máu xuất hiện như da mát lạnh và nhất là các niêm mạc (môi, má…) tái đi, đôi khi cảm thấy chóng mặt, choáng váng, mệt mỏi không rõ nguyên nhân hoặc khó thở v.v…
-
Những nguyên nhân dẫn tới rong kinh
Máu kinh xuất phát từ niêm mạc tử cung, lớp niêm mạc này cứ mỗi tháng phồng lên do sự tác động của các hoóc-môn, khi lượng hoóc- môn sụt xuống, lớp niêm mạc này bong ra làm chảy máu. Lúc này kinh chảy ra quá nhiều là do niêm mạc tử cung dày lên (vì tích tụ máu nhiều). Nói chung, người ta tổng kết được một số nguyên nhân như sau:
- U xơ: Là nguyên nhân thường thấy nhất trong chứng rong kinh của phụ nữ sau 25 tuổi, và đặc biệt hơn, nếu u nằm dưới niêm mạc tử cung sẽ làm cho niêm mạc dễ bị chảy máu.
- U sợi: Là một dạng pô-líp sợi có cuống (nó chỉ nối với cơ bắp tử cung bằng một sợi hình cuống) có thể vươn dài đến cổ tử cung, kéo theo những cơn đau và chảy máu. Loại u này không thể chữa trị bằng thuốc. Để khối u biến mất chỉ còn cách phẫu thuât, cắt bỏ mới mong dứt được.
- Pô-líp niêm mạc: Cũng na ná như như pô-líp sợi, nhưng có điểm khác biệt vì nó mọc ra từ niêm mạc chứ phải từ cơ bắp tử cung. Hình dạng nó nhỏ hơn, chảy máu cũng ít hơn, và thường ra máu màu nâu nhạt hay hồng nhạt trước hoặc sau khi hành kinh. Nhưng nó cũng làm cho máu kinh ra nhiều hơn. Nếu nó mắc ở cổ tử cung thì khi khám phụ khoa, bác sĩ có thể rứt bỏ nó một cách dễ dàng. Trong trường hợp nằm sâu trong tử cung thì nạo là phương pháp tốt nhất.
- U tuyến tử cung hoặc viêm màng trong tử cung: Cũng làm thương tổn cơ bắp tử cung khi có những mảnh bám vào gây ra cơn đau vùng chậu và rong kinh. Phụ nữ ở lứa tuổi từ 40 đến 45 có nhiều khả năng bị chứng u tuyến này.
- Chứng tăng sản của màng trong tử cung: Đây là một thương tổn cơ thể khi bị nặng và thường xuyên. Chứng này do estrogen tác động quá mức (không cân đối với progesterone) nên niêm mạc lan rộng và dày lên quá mức, do đó khi hoóc-môn sụt xuống, sẽ làm chảy máu nhiều. Thương tổn này hay gặp ở phụ nữ sắp mãn kinh, nhưng thường là tạm thời. Chứng này dễ biến mất nếu bạn dùng progestatif từ 10, 15 hay 20 ngày mỗi tháng. Nếu bị nặng và biến thành pô-lít thì chỉ có nạo hoặc cắt bỏ bằng nội soi mới quét sạch được, đồng thời tránh rủi ro có thể phát triển thành ung thư.
- Vòng tránh thai: Phụ nữ đặt vòng tránh thai cũng hay thấy hành kinh nhiều và kéo dài hơn bình thường. Bất lợi này có thể chấp nhận được. Nhưng nếu kéo dài lâu ngày sẽ dẫn đến chứng thiếu máu thì bắt buộc phải lấy vòng ra.
- Mất cân bằng nội tiết tố: Khi không tìm ra bất cứ một bất thường nào trong cơ thể người là người ta hay nghĩ ngay đến vấn đề mất cân bằng hoóc-môn. Một khi estrogen kích thích niêm mạc tử cung gia tăng sinh trưởng và phát triển nhiều quá mức đối với progesterone (là chất chuyên giữ việc kiểm soát và điều tiết niêm mạc tử cung dày lên và bong ra). Niêm mạc ngày càng dày lên thì càng chảy máu nhiều. May thay, hiện tượng này chỉ tạm thời và xảy ra ở các thiếu nữ đang dậy thì, trước khi có chu kỳ rụng trứng hoặc đối với phụ nữ từ 45 đến 50 tuổi vào lúc mãn kinh hay phụ nữ có kinh nguyệt không đều vì không rụng trứng hoặc rụng trứng có chất lượng xấu. Việc chữa trị chứng này rất đơn giản: dùng hoóc-môn và các dẫn xuất của progesterone vào giai đoạn hai của chu kỳ.
Những rối loạn về đông máu gắn liền với một số bệnh về máu, có thể do máu thiếu các tiểu cầu hoặc do thiếu các yếu tố máu để đảm bảo đông máu tốt cho nên lúc hành kinh thì máu ra nhiều. Việc chữa trị chứng đông máu và lạm dụng thuốc Aspirin cũng làm gia tăng lượng máu khi hành kinh.
Theo Healthplus.vn
Chưa có bình luận