Các biện pháp chẩn đoán ung thư cổ tử cung sớm – tiếp
Trong bài trước chúng ta đã cùng tìm hiểu hai cách để chẩn đoán ung thư cổ tử cung đó là: Paptest và sinh thiết cổ tử cung để phát hiện sớm nhất và hiệu quả nhất căn bệnh ung thư cổ tử cung. Bài này chúng ta cùng tìm hiểu thêm các phương pháp chẩn đoán bệnh sớm nhé!
Khoét chóp
Sử dụng loại dao điện đặc biệt để lấy tổ chức cở tử cung bị bệnh có hình như chóp nón – kỹ thuật này được gọi là kỹ thuật khoét chóp. Tổ chức lấy ra bao gồm phần cổ tử cung nối với âm đạo và ống cổ tử cung (phần cổ tử cung mở vào lòng tử cung). Phần được khoét chóp này là vùng có tế bào ung thư và tiền ung thư sẽ phát triển thành ung thư cổ tử cung.
Trong kỹ thuật khoét chóp, có 2 lớp kỹ thuật thường được áp dụng, đó là:
– Kỹ thuật khoét cổ tử cung bằng dao điện (LEEP): Trước khi thực hiện phương pháp này, thầy thuốc phải gây tê tại chỗ cho bệnh nhân, sau đó dùng dao điện có cấu trúc là dây dẫn được đốt nóng bằng điện áp nhất định để khoét tổ chức ở cổ tử cung theo hình nón và phần tổ chức lấy được sẽ gửi đến phòng xét nghiệm giải phẫu bệnh để đọc kết quả. Thời gian thực hiện kỹ thuật này chỉ mất khoảng 15 đến 20 phút, tùy từng bệnh nhân. Trong quá trình thực hiện hoặc bệnh nhân sau khi thực hiện kỹ thuật này có thể có cảm giác đau giật giật nhẹ như chuột rút ở vùng hố chậu. Bệnh nhân có thể bị chảy máu nhẹ và từ bắt đầu tuần thứ hai đến tuần thứ ba sau khi thực hiện kỹ thuật này sẽ ra rất nhiều dịch màu hồng như quết trầu, và các cục nhỏ lởn vởn như cục máu (đây là vẩy ở vùng khoét chóp bong ra sau khi đã lành vết thương), thường phải thay băng vệ sinh 4 – 5 lần ngày, sau đó dịch giảm dần đến một tháng thì hết. Việc dịch màu quết trầu ra nhiều trong tuần thứ hai và thứ ba, đó là cơ chế sinh lý bình thường của cổ tử cung, tiết dịch để làm bong vẩy vùng đã làm LEEP, khỉ vẩy đã bong hết thì dịch tiết cũng hết và trở lại bình thường.
– Khoét chóp bằng dao lạnh: Thầy thuốc sử dụng dao mổ hoặc tia la-de để lấy tổ chức bất bình thường của cổ tử cung. Trước khi thực hiện bệnh nhân phải được gây tê tại chỗ và có thể bị chảy máu nhẹ hoặc vừa, bị đau như chuột rút sau vài tuần sau khi thực hiện phương pháp này.
Các xét nghiệm bổ sung
– Chụp cổ tử cung: Cho phép đọc được hình ảnh của cổ tử cung và bổ sung cho kết quả của Pap tét. Nếu ung thư cổ tử cung đã xâm lấn sang các tổ chức khác của cơ thể cần làm một số xét nghiệm bổ sung để xem ung thư đã lan sang hạch vùng chậu, bàng quang, trực tràng chưa, bằng sử dụng các xét nghiệm sau:
=> Soi bàng quang: Giúp cho quan sát bên trong lòng bàng quang, cổ bàng quang và niệu đạo, cho phép thầy thuốc nhìn thấy những vị trí ung thư di căn từ cổ tử cung đến bàng quang hoặc niệu đạo. Trong quá trình soi thầy thuốc có thể sinh thiết chỗ nghi ngờ để chẩn đoán giải phẫu bệnh.
=> Soi trực tràng: Cho phép xác định xem ung thư từ cổ tử cung đã xâm lấn sang trực tràng và các cơ quan khác trong vùng khung chậu chưa.
– Chụp cắt lớp (CT): Cho phép xác định khối u di căn từ cổ tử cung sang khung chậu, hạch. Khi chụp cắt lớp, để tăng độ tương phản của hình ảnh của ruột, hạch và tổ chức ở trong khung chậu bị di căn, các bác sĩ X quang có thể cho bệnh nhân uống hoặc tiêm thuốc cản quang.
– Chụp cộng hưởng (MRI): Là sử dụng năng lượng của nam châm điện kích thích các phân tử nước trong cơ thể tạo ra hình ảnh rõ nét nhất của các tổ chức trong cơ thể. Kỹ thuật này dùng để xác định xem ung thư cổ tử cung đã di căn đến hạch hoặc các tổ chức cơ quan gần với cổ tử cung chưa.
– Chụp IVP: Chụp X-quang hệ thống tiết niệu bằng tiêm thuốc cản quang vào tĩnh mạch. Chụp IVP để xác định hệ thống đường tiết niệu có bị ung thư từ cổ tử cung xấm lấn, di căn sang không.
– Chụp khung đại tràng bằng thuốc cản quang để xác định xem ung thư cổ tử cung đã di căn sang trực tràng và đại trang xích ma chưa.
– Chụp X-quang lồng ngực: Mục đích xác định xem ung thư cổ tử cung đã di căn đến phổi hay chưa.
Theo Healthplus.vn
Chưa có bình luận