Hiện tượng mất kinh và vô kinh nguyên phát
-
Mất kinh là gì?
Mất kinh là không thấy kinh nguyệt hàng tháng ở người phụ nữ trong độ tuổi có kinh, sự mất kinh này theo từ ngữ y học gọi là vô kinh, gồm có hai loại:
– Vô kinh nguyên phát: nếu thiếu nữ dậy thì đã quá độ tuổi 17 mà chưa thấy kinh hoặc không có kinh.
– Vô kinh thứ phát: là trước đó phụ nữ có chu kỳ kinh đều đặn, nhưng bây giờ không thấy nữa. Trường hợp này có thể mất tạm thời hoặc thường xuyên.
Để tháng nào cũng có kinh nguyệt đều đặn cần tới sự hoạt động bình thường ở toàn bộ hệ thống hoóc-môn nữ và tất cả các cơ quan sinh sản, nói tóm lại là phải hội tụ những điều kiện và các cơ quan sinh sản này phải làm tròn chức năng của mình.
Ví dụ: Vùng dưới đồi (phía sau đầu, gần ót) là trung tâm chỉ huy phát lện cho tuyến yên. Tuyến yên phải có khả năng nhận và truyền lệnh cho các buồng trứng, hoặc ganadotrophin tuyến yên tiết ra các kích thích tố cần thiết cho việc rụng trứng. Có hai loại kích thích tố: Các buồng trứng (cấu tạo bình thường và khỏe mạnh) phải đáp ứng được lượng hoóc-môn (estrogen và progesterone). Niêm mạc tử cung cũng phải có khả năng tiếp nhận hoóc-môn nói trên để hoàn thành nhiệm vụ của mình.
-
Vô kinh nguyên phát
Nguyên nhân chính gây nên vô kinh nguyên phát là do dậy thì muộn và điều này rất tự nhiện, không do bệnh tật gì. Tuy nhiên, cho dù là dậy thì muộn, nhưng quá 17 tuổi vẫn chưa thấy kinh xuất hiện thì phải nghi ngờ có bệnh. Một số bệnh và dị tật gây ra vô kinh nguyên phát được các nhà y học tổng kết như sau:
– Màng trinh bị bịt kín (do tật bẩm sinh) khiến máu không chảy ra ngoài được và tích lại bên trong âm đạo làm cho màng trinh phồng lên, những bất thường ấy kèm theo cơn đau vùng chậu rất dữ dội hàng tháng. Để giải quyết vấn đề này, chỉ cần cắt một lỗ nhỏ ở màng trinh là khỏi ngay.
– Không có âm đạo và tử cung, hoặc tử cung teo nhỏ (do tật bẩm sinh). Đó là một khuyết tật phát triển từ thời phôi thai. Tử cung teo nhỏ không đủ đảm bảo kinh nguyệt và có thai, tuy vây, hai buồng trứng vẫn hoạt động. Để giải quyết tình trạng này, người ta phải phẫu thuật tạo hình.
– Trường hợp đổi giống, tinh hoàn nữ hóa hoặc ái nam ái nữ xảy đến ở một số phụ nữ, thường thì họ rất đẹp, có tất cả những thuộc tính, cảm tính và họ luôn cảm thấy mình là phụ nữ nhưng thực tế lại là đàn ông về mặt di truyền. Họ không có buồng trứng, tử cung, nhưng có tinh hoàn nằm trong bụng và không làm được chức năng gì. Cơ thể không nhạy cảm với hoóc-môn cùng những biến đổi thân thể diễn ra theo hướng nữ giới. Những người này hoàn toàn không bao giờ thấy kinh và không hy vọng có thai.
– Trường hợp phụ nữ có dấu hiệu đổi giống (nam hóa như mọc ria mép, giọng ồm ồm) hãy tìm đến bác sĩ chuyên khoa nhằm tìm ra những thương tổn làm hoóc-môn nam tiết ra quá nhiều. Nếu dùng phẫu thuật giải quyết, hiện tượng nam hóa sẽ biến mất và bạn sẽ trở lại bình thường.
– Mất quân bình về sự bài tiết kích thích tốt, hậu quả là rối loạn nội tiết thường gặp trong các bệnh lý như u tuyến yên, nhược giáp (suy tuyến giáp trạng), u tuyến thượng thận hoặc tăng sản tuyến thượng thận. Các bệnh này cần có sự can thiệp của bác sĩ, một khi mọi việc được giải quyết triệt để, kinh nguyệt sẽ có lại bình thường.
– Có tiền sử y khoa về những bệnh nặng thời thơ ấu (như tiểu đường nặng, viêm màng não, lao…), các cuộc phẫu thuật, hay chữa trị kéo dài hoặc một vết dính vì lao… sau khi bị nhiễm trùng lao, niêm mạc dạ con bị mòn từng khoảnh gây nên sự dính các thành tử cung.
Những nguyên nhân khác hiếm gặp hơn như: hội chứng rối loạn sản buồng trứng (hội chứng Turner) do khiếm khuyết nhiễm sắc thể. Nói tóm lại, một khi đã trên 17 tuổi mà chưa thấy kinh hãy đi đến bác sĩ phụ khoa trình bày rõ những điều sau đây để bác sĩ tìm ra đúng nguyên nhân:
– Những bệnh từ thời thơ ấu.
– Những phẫu thuật hoặc chữa trị kéo dài.
– Những triệu chứng như đau bụng hàng tháng, đau đầu, rối loạn thị giác, rối loạn về sự ngon miệng, thay đổi trọng lượng, núm vú chảy chất đục như sữa, ù tai v.v…
– Trạng thái tinh thần và tâm lý như bị chấn thương tâm thần, lo nghĩ về gia đình hay tình cảm v.v…
Sau khi nghe bạn kể, bác sĩ sẽ khám tổng quát và xét nghiệm bổ sung để tìm ra lý do và việc điều trị sẽ có hiệu quả hơn.
Theo Healthplus.vn
Chưa có bình luận