Nhiễm khuẩn niệu, bệnh lý phụ nữ nên cẩn trọng
Phụ nữ nên cẩn trọng với các bệnh nhiễm khuẩn niệu, bởi bệnh lý này hiện nay rất phổ biến và dễ dàng tái phát. Các loại vi khuẩn gây bệnh ở trực tràng có thể gây viêm nhiễm ngược lên niệu đạo, bàng quang, bể thận. Chúng ta cùng đi tìm hiểu căn bệnh nguy hiểm trong bài này nhé:
Phụ nữ dễ nhiễm khuẩn niệu
Nhiễm khuẩn niệu là sự xâm lấn của các loại vi sinh gây bệnh bên trong đường tiết niệu, gây ra các triệu chứng dễ nhận biết. Trường hợp, nhiễm khuẩn niệu phức tạp thường xảy ra ở bệnh nhân: sỏi, nang thận nhiễm khuẩn, tổn thương tủy sống, đang đặt các loại ống thông; bệnh tiểu đường; có thai; suy giảm miễn dịch.
Các loại vi khuẩn xâm nhập vào đường tiết niệu theo 3 đường: ngược dòng, theo đường máu và lây lan từ ổ nhiễm khuẩn gần cơ quan niệu sinh dục. Nhưng khong phải lúc nào vi khuẩn cũng gây nên bệnh lý này, bởi khả năng gây bệnh còn phụ thuộc vào nhiều yếu tố: độ pH thấp và tính ưu trương của nước tiểu; các chất nhầy của đường tiết niệu như protein, mức độ bám dính khác nhau giữa các vi khuẩn gây bệnh.
Sở dĩ phụ nữ dễ bị nhiễm khuẩn niệu là bởi sự khác biệt về giải phẫu sinh lý cơ quan niệu sinh dục. Lỗ niệu đạo nữ nằm rất gần âm đạo và trực tràng nên vi khuẩn dễ lây lan ngược dòng. Ngoài ra, âm đạo luôn có sẵn một hệ vi khuẩn kỵ khí và hiếu khí, nhưng trong điều kiện bình thường chúng không gây nhiễm khuẩn niệu. Trong điều kiện hệ vi sinh này bị thay thế bởi hệ vi sinh gây bệnh, có nguồn gốc từ trực tràng, thì mới gây nhiễm khuẩn niệu. Thêm vào đó, niệu đạo nữ ngắn hơn niệu đạo nam nên vi khuẩn dễ dàng xâm nhập ngược dòng vào bàng quang. Giao hợp cũng là một yếu tố gây nhiễm khuẩn niệu. Bởi, sau khi giao hợp, phụ nữ luôn ở trong tình trạng khuẩn niệu thoáng qua. Thời kỳ mãn kinh, vì giảm estrogen, phụ nữ dễ bị nhiễm khuẩn niệu do: niêm mạc âm đạo teo đi, môi trường âm đạo bớt tính acid và giảm số lượng vi khuẩn lactobacilli. Viêm niệu đạo bàng quang phù nề làm cho khúc nối bàng quang – niệu quản không đóng kín được khi rặn tiểu, lúc này, nước tiểu có vi khuẩn sẽ đi ngược lên bể thận gây nhiễm khuẩn. Hầu hết nhiễm khuẩn niệu do vi khuẩn gram âm, trong đó E. coli chiếm 80%.
Cách phát hiện và điều trị nhiễm khuẩn niệu
Viêm niệu đạo và bàng quang cấp: Việc phát hiện hai bệnh lý này là rất khó bởi chúng có các dấu hiệu gần giống nhau. Viêm niệu đạo cấp có các triệu chứng đi tiểu đau, tiểu khó, chảy dịch niệu đạo, tác nhân gây bệnh thường là Chlamydia trachomatis, Neisseria gonorhea, Herpes simplex. Còn viêm bàng quang cấp thì dấu hiệu cũng là tiểu đau, tiểu khó, tiểu gấp, tiểu nhiều lần, tiểu máu và đau vùng trên xương mu. Với các bệnh nhân nữ khỏe mạnh thì có thể điều trị bằng các loại thuốc kháng sinh. Dùng thuốc 7-10 ngày, hầu hết bệnh nhân đều khỏi. Nhưng 1/3 số bệnh nhân này đều có khả năng tái phát rất cao, khi đó bắt buộc phải cấy nước tiểu để tìm vi khuẩn và làm kháng sinh đồ. Và nếu, tái phát 3 lần trong năm thì cần phải xét nghiệm những bất thường về phụ khoa. Cần thiết phải chụp Xquang để phát hiện sỏi, niệu quản lạc chỗ, túi thừa đài thận.
Viêm đài bể thận cấp: Thường có các dấu hiệu sốt, buồn nôn, mệt mỏi, đau hông, đau lưng. Phải cấy nước tiểu, kháng sinh đồ trước khi điều trị. Nếu nhiễm khuẩn không phức tạp có thể dùng kháng sinh 7 ngày. Trong trường hợp, các triệu chứng không giảm thì cần phải dùng kháng sinh tĩnh mạch theo khánh sinh đồ đồ từ 10 – 14 ngày.
Nhiễm khuẩn niệu ở phụ nữ có thai: Tỷ lệ nhiễm khuẩn niệu ở phụ nữ có thai từ 4 – 6%, và đều có nguy cơ dẫn đến viêm đài bể thận, sinh non, tử vong sơ sinh. Bởi vậy, phải điều trị dứt điểm nhiễm khuẩn niệu cho phụ nữ mang thai. Dùng tốt nhất là các thuốc: penicillin, cephalosporin, nitrofurantoin, tránh dùng fluoroquinolone vì ảnh hưởng đến sự phát triển sụn của thai và TMP – SMX gây ức chế acid folic làm thiếu máu cho thai.
Nhiễm khuẩn niệu ở trẻ em gái: Các nghiên cứu khoa học chỉ ra rằng, có khoảng 3% trẻ em gái chưa đến tuổi dậy thì bị nhiễm khuẩn niệu, trong đó gần 30% bị tái phát trong vòng 3 năm. Và nếu bị tái phát, tổn thương gây ra những vết sẹo ở chủ mô thận, đây là nguyên nhân làm tăng nguy cơ bệnh thận ở tuổi trưởng thành. Nếu có dấu hiệu bệnh, trẻ cần được điều trị tích cực, dứt điểm.
Theo Healthplus.vn
Chưa có bình luận