Nhiễm nấm phụ khoa ở phụ nữ khó thụ thai
Nhiều nguyên nhân gây ra tình trạng nấm âm đạo ở phụ nữ khiến môi trường âm đạo bị thay đổi. Nhiễm nấm thường không nguy hiểm, nhưng lại gây ra nhiều bất tiện trong sinh hoạt hằng ngày.
Theo Tiến sĩ Cung Thị Thu Thủy, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Phụ sản trung ương, nấm âm đạo thường gặp ở phụ nữ là do một loại nấm có tên Candida Albicans gây ra. Ở điều kiện bình thường, nấm thường trực trong môi trường ở dạng bào tử nhưng không gây bệnh. Chỉ khi gặp điều kiện thuận lợi như thời tiết nóng, ẩm hoặc có nguyên nhân nào đó gây mất cân bằng môi trường sinh lý âm đạo, nấm mới phát triển và gây bệnh.
Mặc quần ướt dẫn đến nấm âm đạo
Tiến sĩ Thủy cho biết: việc phụ nữ dùng thuốc kháng sinh quá nhiều sẽ làm cho vi khuẩn có lợi bị tiêu diệt, gây mất cân bằng vi khuẩn, dẫn đến mất cân đối môi trường âm đạo. Ngoài ra, dùng thuốc tránh thai kéo dài cũng là một điều kiện thuận lợi để nấm phát triển.
Theo TS Nguyễn Thị Hoài Đức, Viện trưởng Viện Sức khỏe sinh sản và gia đình, môi trường PH bình thường của âm đạo là từ 3,4 – 4,6. Môi trường này giữ cho âm đạo không bị viêm nhiễm. Nếu môi trường âm đạo bị thay đổi vì một lý do nào đó, nấm sẽ bùng phát gây ra chứng nhiễm nấm âm đạo. Ngoài ra, có thể do việc sử dụng thuốc kháng sinh kéo dài, khi vệ sinh, người phụ nữ thụt rửa sâu cũng sẽ phá vỡ môi trường PH của âm đạo. Điều kiện vệ sinh cũng là một nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên như quần lót để ẩm thấp, phơi ở nơi không có ánh sáng mặt trời, mặc khi đồ chưa khô.
Bệnh rất dễ tái phát
Theo TS Thủy, khi nhiễm nấm âm đạo, phụ nữ cảm thấy ngứa rát vùng kín, ra khí hư bột, trắng đục, cứng và khô như vôi. Khi nhiễm nấm, cần sử dụng kháng sinh chống nấm ở cả đường uống lẫn đặt thuốc tại chỗ. Nếu phụ nữ có gia đình bị nhiễm nấm thì nên điều trị cả vợ lẫn chồng. Vì khi giao hợp, các vi khuẩn nấm sẽ đọng lại ở bao quy đầu của người chồng và đây là nguyên do khiến người vợ rất dễ nhiễm nấm trở lại.
Đặc biệt, không được tự ý dừng đặt thuốc vì nếu điều trị không triệt để, nguy cơ kháng thuốc, tái phát rất cao. TS Đức cho biết tuy nấm âm đạo không gây nguy hiểm cho nữ giới, nhưng lại gây ngứa rát, khó chịu khi quan hệ tình dục, ảnh hưởng đến sinh hoạt hằng ngày. Thêm vào đó, khi môi trường PH âm đạo thay đổi, nấm dày đặc cũng làm cho tinh trùng không có “đường” để chạy qua âm đạo vào cổ tử cung, giảm khả năng thụ thai.
Các bác sĩ cũng khuyến cáo nấm âm đạo rất dễ tái phát vì môi trường PH dễ thay đổi. Vì vậy, để tránh nhiễm nấm, chị em nên thường xuyên vệ sinh bộ phận sinh dục, giữ quần áo khô ráo, sạch sẽ, phơi ở nơi có ánh sáng mặt trời. Khi vệ sinh chỉ nên rửa ở bên ngoài, không nên thụt rửa sâu để tránh làm mất cân bằng môi trường PH.
Gọi (04) 39 959 969 hoặc (04) 39 960 886 Để được Tư vấn – Giải đáp miễn phí Những vấn đề liên quan đến Bệnh phụ khoa |
Theo Healthplus.vn
Chưa có bình luận