Dấu hiệu bệnh viêm da
Viêm da là một phản ứng của da trước các yếu tố kích thích từ môi trường bên ngoài như nhiệt độ quá nóng hoặc quá lạnh, các sang chấn cơ học và hóa học trên da hoặc các loại kháng nguyên gây kích ứng cho làn da.
Mặc dù các bệnh viêm da đều không gây nguy hiểm đến tính mạng con người và không lây lan nhưng thường diễn biến rất dai dẳng và gây ra khá nhiều phiền toái cho người bệnh. Viêm da là một nhóm gồm nhiều loại bệnh với các nguyên nhân khác nhau, đặc trưng bởi tình trạng viêm nông trên bề mặt của da, gây ra các biểu hiện ngứa, nề đỏ, nổi mụn nước, khi vỡ gây tiết dịch và đóng vảy, hay gặp nhất là viêm da tiếp xúc, viêm da cơ địa, viêm da dầy, viêm da thần kinh, tổ đỉa và đỏ da toàn thân. Biến chứng thường gặp của các bệnh viêm da này là dày da lên do gãi nhiều và nhiễm trùng tại các vết lở loét.
Viêm da do tiếp xúc
Là dạng viêm da do sự tiếp xúc trực tiếp của da với một số kích thích từ môi trường như thuốc, hóa chất, sơn, cao su, các kim loại nặng hoặc ánh sáng. Hai cơ chế chủ yếu gây nên viêm da tiếp xúc là cơ chế dị ứng và cơ chế kích ứng. Trong cơ chế thứ nhất, phản ứng viêm da do vai trò của phức hợp kháng nguyên – kháng thể, còn trong cơ chế thứ hai, phẩn ứng viêm da là do độc tính trực tiếp trên da của một số loại hóa chất như: kiềm, axit, hoặc một số loại dung môi gây ra. Ban đỏ trong viêm da tiếp xúc thường xuất hiện sau khi da tiếp xúc với nguyên nhân gây bệnh từ 4 – 24 tiếng, gây ngứa dữ dội. Vị trí tổn thương thường gọi ý rất nhiều cho việc xác định nguyên nhân gây viêm da tiếp xúc. Xác định và loại bỏ nguyên nhân gây bệnh là biện pháp quan trọng trong điều trị và dự phòng viêm da tiếp xúc.
Viêm da cơ địa
Là một trong những bệnh lý ở da hay gặp nhất, thường xuất hiện ở những người có cơ địa mắc các bệnh dị ứng như: hen phé quản, viêm mũi dị ứng, dị ưng thức ăn… Hơn 90% các trường hợp bệnh khởi phát ở trẻ dưới 5 tuổi và kéo dài đến tuổi trưởng thành. Nguyên nhân gây bệnh chính xác không được biết nhưng một số yếu tố có thể làm cho bệnh nặng lên như sang chấn tâm lý, thay đổi nhiệt độ hoặc độ ẩm trong không khí, nhiễm trùng da hoặc mặc quần áo gây kích ứng da. Ở trẻ em, ban đỏ và mụn nước thường xuyên xuất hiện ở da đầu, mặt, vùng quấn tã, bàn tay, bàn chân, cẳng tay, cẳng chân. Ở người lớn, ban đỏ thường xuyên xuấ hiện ở một vài vị trí, chủ yếu là cánh tay, khuỷu tay, bàn tay… Ban đỏ trong viêm da cơ địa rất ngứa. Viêm da cơ địa không thể điều trị khỏi, dùng các thuốc kháng sinh histamine thế hệ 1 và mỡ corticosteroid bôi tại chỗ giúp giảm nhiều biểu hiện ngứa. Corticosteroid đường toàn thân chỉ nên sử dụng trong trường hợp bệnh dai dẳng. Lưu ý giữ ẩm da, tránh tiếp xúc với các chất gây kích ứng da và các tác nhân làm bệnh nặng thêm.
Theo Healthplus.vn
Chưa có bình luận