Điều trị tia xạ chữa ung thư cổ tử cung
Điều trị tia xạ là sử dụng tia Rơn-ghen có năng lượng cao để tiêu diệt các tế bào ung thư. Chỉ định điều trị cho những bệnh nhân bị ung thư cổ tử cung có khả năng đã di căn vào khung chậu, lan đến 1/3 ngoài âm đạo và đường tiết niệu.
Điều trị tia xạ có thể kết hợp với phẫu thuật hoặc hóa trị liệu trong điều trị bệnh nhân bị ung thư cổ tử cung ở giai đoạn sớm và ung thư ở giai đoạn đã xâm lấn, còn dùng để điều trị chống đau cho bệnh nhân ở giai đoạn muộn.
Chiếu xạ ngoài giống như chúng ta chụp X quang để chẩn đoán. Chiếu xạ ngoài thường điều trị 5 lần trong một tuần và thời gian điều trị là 5 hoặc 6 tuần. Cần động viên, khuyến khích bệnh nhân được điều trị xạ ngoài tham gia tích cực điều trị đủ liều, nhưng có một số bệnh nhân có thể có những tác dụng phụ ở vùng chiếu như là rụng lông, da khô hoặc da bị kích thích hoặc da vùng chiếu bị sạm đen. Tuy nhiên, những bệnh nhân này phải giữ gìn vệ sinh vùng chiếu tia, sử dụng kem bôi, mặc quần áo rộng, mát.
Cấy kim phóng xạ vào vùng càng gần khối u càng tốt, nhưng cách xa vùng tổ chức khỏe mạnh. Các chất phóng xạ hoặc đặt ở trong bao nang và đặt vào cổ tử cung hoặc đặt kim mỏng trực tiếp vào trong khối u.
Bệnh nhân khi đặt kim bắt buộc phải nằm trong phòng riêng biệt, tường có phủ chì hoặc barit, thời gian đặt kim từ 1 đến 3 ngày. Bệnh nhân sẽ được điều trị nhắc lại vài lần trong giai đoạn điều trị từ 1 đến 2 tuần, đặt kim phóng xạ có thể gây cảm giác như cháy nắng. Tổ chức ở vùng điều trị sẽ trở lại bình thương sau 6 đến 12 tháng.
Sau khi đặt kim, bệnh nhân có thể có những tác dụng phụ như: mệt mỏi, tiêu chảy, đi tiểu nhiều lần hoặc cảm giác khó chịu khi tiểu tiện, khô âm đạo, âm đạo bị kích thích và bị bỏng.
Một số biến chứng khác của chiếu xạ ngoài và đặt kim như: viêm trực tràng chảy máu, viêm bàng quang chảy máu, sẹo âm đạo, thiếu máu hoặc bầm tím, tăng nguy cơ nhiễm trùng, quan hệ tình dục khó khăn, mãn kinh sớm…
Theo Healthplus.vn
Chưa có bình luận